Tin tức Hot nhất hiện nay

Virus corona: Thế giới bên bờ đại dịch virus Covid-19

Hành khách mang khẩu trang trong một trạm xe điện ngầm tại thủ đô Malaysia Kuala Lumpur, ngày 10/02/2020.

Hành khách mang khẩu trang trong một trạm xe điện ngầm tại thủ đô Malaysia Kuala Lumpur, ngày 10/02/2020. REUTERS/Lim Huey Teng

Virus corona từ « tâm chấn Hồ Bắc » tiếp tục lan rộng, Airbus đánh gục Boeing, Putin trấn áp thế hệ trẻ Nga hơn thời Brejnev, tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp giảm kỷ lục. Miền bắc Syria trong tình thế dầu sôi lửa bỏng, Erdogan dọa hay làm thật ? Đó là một số chủ đề chính trên báo Pháp ngày 14/02/2020.

QUẢNG CÁO

Nguy cơ vượt tầm kiểm sóat

Đại họa siêu vi Covid-19 từ Trung Quốc mà truyền thông quốc tế tiếp tục gọi là virus corona vẫn là thời sự số một. Tổ Chức Y Tế Thế Giới vẫn hy vọng khống chế dịch bên trong Trung Quốc, nhưng đã xuất hiện một số ổ dịch mới ở Việt Nam và Singapore. Le Figaro đề tựa đáng sợ: Thế giới bên bờ đại dịch. Giới chuyên gia có lý do lo ngại dịch lan nhanh khắp địa cầu.

Số liệu do bộ Y Tế Trung Quốc thông báo hôm thứ Năm gây ra cơn sốc: thêm 15.152 người bị lây, 254 nạn nhân từ trần trong 24 giờ. Với 447 ca nhiễm virus ở 24 nước, không kể du thuyền Diamond Princesse đang bị cách ly tại Yokohama, cũng như thông tin có ba người chết tại Bắc Triều Tiên đã làm cho nhiều chuyên gia lo ngại dịch Covid-19 biến thành đại dịch.

 

Cho dù Trung Quốc tìm cách trấn an, kiểm duyệt thông tin, nhưng không thể che giấu hết sự thật. Ian Lipkin, nhà dịch tễ học người Mỹ vừa trở về từ Vũ Hán mô tả: Tình hình y tế ở Vũ Hán rất kinh khiếp. Như con tàu Titanic đang bị đắm, nhưng không có đủ áo phao. Số bệnh nhân được công bố thấp hơn sự thật, chưa kể là chúng ta chưa rõ khả năng đột biến của siêu vi Covid-19 như thế nào.

 

Không xác quyết như đồng nghiệp thiên hữu, nhật báo độc lập Le Monde cũng rất bi quan: Trung Quốc xét lại chính sách y tế, cách chức một số lãnh đạo địa phương cấp tỉnh, cấp thành, huy động lực lượng y sĩ, y tá trên toàn quốc tăng viện cho Vũ Hán, chủ tịch Tập Cận Bình xuất hiện, nhấn mạnh những « kết quả tích cực ». Nhưng, theo Le Monde, cái khó của Bắc Kinh là làm sao trấn an được dân trong nước và cộng đồng quốc tế ? Lo sợ bị trừng phạt, chính quyền ở các địa phương khác thi đua cách ly, phong tỏa chận dịch làm cho kinh tế tê liệt thêm. Cuối cùng, Bắc Kinh không khống chế được dịch, mà cũng không kiểm soát được cán bộ địa phương có thi hành đúng chính sách hay không. Giám đốc đặc trách tình trạng y tế khẩn cấp của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Michael Ryan, thận trọng: Còn quá sớm để có thể dự báo là dịch bệnh đang ở giai đoạn nào ? Khởi điểm, đang diễn tiến hay ở hồi kết.

Thống kê mập mờ

Bắc Kinh thay thế quan chức và thay đổi phương pháp định bệnh.

Thống kê mập mờ, chẩn đoán lạ lùng, chỉ đạo thay đổi liên tục càng làm công luận tin chắc là đảng Cộng Sản Trung Quốc chỉ lo bảo vệ quyền lực hơn là sinh mạng người dân.

Ở trang ý kiến, Le Figaro nhắc lại một thí dụ cụ thể về hậu quả của chính sách nói dối. Chuyện xảy ra cho Liên Xô vào năm 1986 mà sau này, năm 2007, cựu chủ tịch Mikhail Gorbatchev chia sẻ với Le Figaro : « Hơn bất cứ một sự kiện nào khác, vụ Tchernobyl đã mở cánh cửa cho tự do ngôn luận làm chế độ độc tài không thể tồn tại được ». Tại Trung Quốc, cái chết thảm thương của bác sĩ Lý Văn Lượng biến ông thành anh hùng dân tộc và lời kêu gọi thống thiết của 10 giáo sư Y khoa « chấm dứt chế độ hạn chế tự do ngôn luận » là những tín hiệu chế độ độc tài đã lung lay. Chế độ này tồn tại nhờ bạo lực, nhưng bộ máy tuyên truyền đã nứt rạn.

Đồng điệu với Le Figaro, nhật báo thiên tả Liberation, với hai phóng viên Valentin Cebrron và Liu Zhi Fan tại Bắc Kinh cho biết chính phủ Trung Quốc đang tìm cách ngăn chận những tiếng nói khác biệt trong lúc trên mạng xã hội tràn đầy những lời công kích. Nạn nhân mới nhất là giáo sư luật Hứa Chương Nhuận (Xu Zhang Ru), đại học Thanh Hoa vừa bị WeChat phong tỏa tài khoản. Thành ngữ được dân mạng sử dụng nhiều nhất hiện nay là « hết nước mắt để khóc », để nói lên buồn rầu bất lực và bất bình chế độ lợi dụng lòng nhiệt thành của các tình nguyện viên, bất chấp hiểm nguy, để phục vụ tuyên truyền chính trị.

Cách chức một số lãnh đạo ở Hồ Bắc thay thế bằng người thân cận cũng là một cách để Tập Cận Bình kiểm soát chiếc nôi công nghiệp này.

Thống kê « mập mờ » của Trung Quốc cũng là đề tài bình luận trên La Croix. Nhật báo Công Giáo trích nhận xét của một chuyên gia về thống kê học Trung Quốc, Victor Shih, « trong vòng ba tuần, Bắc Kinh thay đổi năm lần chỉ đạo về thống kê dịch virus corona. Không hiểu vì lý do gì. Người ta cũng không biết bằng cách nào Nhà nước Trung Quốc thu thập thông tin ».

Với góc nhìn kinh tế, nhật báo Les Echos chú ý đến hệ quả đối với châu Âu. Sau cuộc họp hôm thứ Năm, Ủy Ban Châu Âu dự báo khá tin tưởng. Kinh tế châu Âu vững chắc nhờ vào nền tảng tốt, nhưng siêu vi Covid-19 là lưỡi kiếm treo lửng lơ trên cổ.

Donald Trump « có lý »

Tìm hiểu về chính sách Trung Quốc của Donald Trump, Le Figaro đặt câu hỏi với bà Samantha Power, giáo sư đại học Harvard, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc và là một trong các nhân vật cột trụ trong nhóm chuyên gia đối ngoại của Barack Obama. Tuy chỉ trích cách tiếp cận « lấy thịt đè… đối tác » của đương kim tổng thống, Samantha Power nhìn nhận là Donald Trump có lý khi chọn thái độ quyết liệt với Tập Cận Bình, vì Trung Quốc là đối thủ nguy hiểm của Mỹ.

Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc lấy làm tiếc là tổng thống Obama không cứng rắn với Bắc Kinh trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, không ban hành biện pháp trừng phạt Trung Quốc. Trái lại, Donald Trump xem hồ sơ này là quan trọng hàng đầu trong quan hệ Mỹ-Trung và tỏ ra rất thô bạo với Bắc Kinh. Theo Samantha Power, Donald Trump đã có một số hành động đúng.

Bên cạnh những thông tin bi quan về y tế, về tác hại của virus corona đối với kinh tế thế giới, báo chí Pháp phấn khởi với tin tập đoàn hàng không AirBus của châu Âu đánh bại Boeing của Mỹ.

Airbus lợi dụng cơ hội tốt, đó là cuộc khủng hoảng 737 Max của Boeing. Đối thủ tiềm tàng là C919 của Trung Quốc cũng không phất lên được, vì hàng loạt khó khăn cơ khí có thể gây tai nạn mà các kỹ sư Trung Quốc chưa giải quyết được.

Trong năm 2019, Airbus bán được 880 chiếc. Boeing chỉ được 380.

Trong bối cảnh bị công luận Pháp phê phán kịch liệt là tổng thống của người giàu, Emmanuel Macron có lý do để lên tinh thần. Lần đầu tiên từ 12 năm nay, thất nghiệp giảm kỷ lục, dưới 8,1%. Báo chí Pháp phân tích ra sao ?

Xã luận của Le Figaro khá công bằng : khen ngợi chính sách của tổng thống đương nhiệm, nhưng cũng không quên nỗ lực của tổng thống trước: đây không phải là kết quả ngẫu nhiên, mà là thành quả của một chính sách dài hơi từ năm 2015.

Le Monde cũng cùng nhận định : đa số công ăn việc làm tạo ra trong năm qua đều có thực chất.

Poutin là/bằng Stalin ?

Trở lại thời sự quốc tế, Le Monde và Liberation trở lại vụ việc 10 thanh niên Nga bị chính quyền Putin, qua một vụ án dàn dựng, trừng phạt từ 16 đến 18 năm tù khổ sai.

Để củng cố quyền lực, tổng thống Nga không ngần ngại sử dụng các biện pháp độc đoán còn hơn thời Brejnev. Tra tấn, châm điện, ép cung, ban hành bản án hàng chục năm khổ sai đối với những thanh niên không giết người, không gây bạo lực thì chỉ có trong thời chế độ Stalin.

Theo Le Monde, đây là một thông điệp cảnh cáo giới trẻ trong bối cảnh điện Kremlin chuẩn bị sửa đổi Hiến Pháp và một làn sóng phản kháng trong xã hội lên cao.

Phẫn nộ sau « phiên toà Stalin » trừng phạt mười thanh niên, Libération trích lời tuyên bố của Dimtri Pchelinsev tại toà: Để họ ngưng tra tấn, tôi trả lời « Đa (vâng - trong tiếng Nga), tôi là thủ lĩnh ».

Về đối ngoại, Nga đang đứng trước nguy cơ xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ Ankara oanh kích quân đội Damas. Tuy nhiên, theo Les Echos, nguy cơ đụng độ trực tiếp Nga - Thổ rất thấp, bởi vì hai bên đều không có lợi nếu đánh nhau. Vấn đề là các cuộc chiến tranh trong lịch sử thế giới thường khi bắt đầu từ vài phát súng.

Sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO đặt ra vấn đề thứ hai là Liên Minh Bắc Đại Tây Dương sẽ phản ứng ra sao? Le Monde kêu gọi « ngăn chận biển máu tại Idleb ».